Lễ hội Trung thu là một trong những dịp lễ lớn tại Việt Nam mang đậm ý nghĩa riêng về truyền thống văn hóa dân tộc. Đây là thời điểm trăng sáng đẹp và tròn nhất trong năm. Vào dịp rằm trung thu, các thành viên trong gia đình thường sum họp và trò chuyện cùng nhau, kể những câu chuyện bình của cuộc sống hằng ngày. Trẻ em náo nức dạo chơi, rước đèn bên mâm cỗ. Đôi uyên ương thì ngắm trăng rằm đầy lãng mạn. Bài viết dưới đây, hãy cùng Mekoong tìm hiểu về Tết Trung Thu có gì và ý nghĩa của ngày tết trung thu ra sao nhé!
Lễ hội trung thu là gì
Tết trung thu chính là lễ hội được tổ chức vào ngày trăng rằm tháng Tám âm lịch. Đây là ngày có trăng tròn sáng nhất và đẹp nhất. Vào thời điểm này người dân cũng đã hoàn thành thu hoạch xong mùa vụ và bắt đầu tổ chức những ngày lễ hội truyền thống. Trong đó, tiêu biểu là lễ hội trung thu.
Ngày tết trung thu còn có nhiều tên gọi khác là: lễ hội trăng rằm, tết trông trăng, tết thiếu nhi, tết đoàn viên…

Nguồn gốc Tết Trung thu ở Việt Nam
Khi nhắc đến trung thu, người ta nhắc ngay đến chuyện chú Cuội chị Hằng Nga. Tương truyền rằng ngày xưa trên cung trăng cao vời vợi đó có một nàng tiên xinh đẹp gọi là chị Hằng Nga, chị Hằng Nga rất yêu quý trẻ con. Một ngày nọ, Ngọc Hoàng tổ chức hội thi làm bánh ngày rằm. Chị Hằng Nga đã xuống nhân gian tham khảo và gặp chú Cuội. Cuội là một chàng trai hay nói dối nhưng lại có tài nấu ăn rất giỏi. Vì vậy, Cuội rất được trẻ con trong làng rất yêu Quý.
Sau đó Hằng Nga đã nhờ chú cuội làm bánh, Cuội đã dành tâm huyết để làm một chiếc bánh thật ngon. Chị Hằng Nga đem chiếc bánh này về thi thì bánh được mọi người khen ngon và Hằng Nga đã được Ngọc Hoàng ban thưởng.
Từ đó, Cuội rất quý mến chị Hằng, không nỡ rời xa chị Hằng. Vì vậy Cuội đã theo chị bay lên cung trăng. Nhưng lên được một thời gian thì Cuội nhớ quê nhà, nhớ các em nhỏ quá nên đã ngồi khóc dưới gốc đa và nhìn xuống ngắm trần gian.
Cũng chính vì điều đó mà vào ngày rằm tháng Tám, ngày trăng tròn sáng nhất mùa thu thì chị Hằng và Chú Cuội được Ngọc Hoàng ban chỉ cho phép được bay xuống trần gian đề thăm nhà và chơi đùa với các cháu nhỏ. Cũng chính từ đó về sau, ngày tết trung thu cũng được hình thành từ đây.

Lễ hội Trung thu có ý nghĩa gì
Tết trung thu là dịp để người người nhà nhà cùng nhau ngắm trăng tròn đẹp và sáng nhất của tháng Tám. Đây cũng là dịp để cha mẹ thể hiện tình yêu thương đối với con cái trong nhà. Cũng là dịp con cháu mua bánh trung thu, rượu, trà để dâng cúng tổ tiên, biếu tặng ông bà, cha mẹ thầy cô và họ hàng trong nhà để thể hiện lòng yêu thương, kính trọng, biết ơn của mình.
Ở miền bắc một số nơi còn có tục hát trống quân. Đôi bên nam nữ vừa hát hò vừa đối đáp nhau. Trái gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp nhau vừa để giải trí, vui chơi, vừa để kén chọn bạn trăm năm.

Phong tục Tết Trung thu ở Việt Nam
Ở nước ta, truyền thống Tết Trung Thu đã có mặt từ lâu đời tồn tại trong đời sống người dân qua những phong tục sau:

Rước đèn
Hình ảnh những chiếc lồng đèn đa sắc màu rực sáng dưới ánh trăng vàng chắc chắn đã quá quen thuộc với tuổi thơ nhiều người phải không nào.Rước đèn là một trong những phong tục Tết Trung Thu Việt Nam không thể thiếu. Đối với người Trung Hoa, đèn lồng treo trước cửa tượng trưng cho sự bình an, may mắn. Ngoài ra, còn có dạng hoa đăng ghi các ước nguyện và thả ở bờ sông để mang lời cầu nguyện đi xa.

Múa lân
Rằm Trung thu đường phố luôn nhộn nhịp tiếng trống cùng những đội múa Lân sôi động nối đuôi nhau. Múa lân là hoạt động vô cùng đặc sắc và được các em nhỏ yêu thích, mong đợi nhất trong dịp trăng rằm. Người Trung Quốc thường có múa lân vào dịp tết Nguyên Đán còn người Việt lại múa Lân nhiều nhất vào dịp Tết Trung thu. Thường múa Lân sẽ được tổ chức trước khi tới hội trăng rằm, khoảng từ đêm 13, 14 đến đêm 15.

Bày cỗ
Bày cỗ, mâm ngũ quả vào buổi hội trăng rằm là một phần không thể thiếu của mỗi gia đình nhằm bày tỏ tấm lòng thành kính đến ông bà, tổ tiên trong dịp này. Tùy vào mỗi vùng miền sẽ có cách bày trí mâm cỗ khác nhau mang đậm màu sắc riêng trong ngày lễ trung thu đoàn viên.
Vào dịp lễ hội trung thu, mỗi gia đình Việt sẽ bày cỗ với đầy đủ các món như bánh kẹo Trung thu, mía, thị, bưởi, dưa hấu…tùy vào từng gia đình mà cỗ được trang trí khác nhau.

Làm đồ chơi Trung Thu
Những món đồ chơi handmade luôn được các em nhỏ yêu thích vào mỗi dịp Trung Thu về. Thông thường, trẻ em sẽ cùng nhau tụ họp để cùng nhau làm những món đồ chơi để đi chơi vào ngày trăng rằm. Những món đồ chơi thường được làm như làm lồng đèn từ giấy, lon bia, xếp thuyền giấy, làm mặt nạ,…

Các loại bánh trung thu
Có 2 loại bánh trung thu chính thường được làm vào dịp lễ trung thu là: bánh nướng, bánh dẻo.
- Bánh nướng: Bánh có lớp vỏ là bột mì và một chút dầu ăn. Đường dùng trộn vào vỏ bánh thường nấu với mạch nha để chuyển sang màu hổ phách. Nhân bánh nướng là nhân đậu xanh hạt sen, thập cẩm, khoai môn…
- Bánh dẻo: Bánh dẻo trung thu được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội, nước hoa bưởi. Nhân bánh làm từ các nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng.

Hát trống quân
Hát trống quân là loại hình thi tài đối đáp ca dao, dân ca thông qua những câu hát giao duyên có nội dung trao đổi về kinh nghiệm sống giữa nam, nữ thanh niên. Đây là một trong những phong tục phổ biến ngày xưa mỗi khi đến mùa trung thu.
Hát dân ca trống quân được chia làm hai thể loại: Hát giao duyên và hát thờ, trong đó hát giao duyên sẽ gồm các làn điệu: Hát trống quân, hát đúm, hát mó cá, xin hoa đố chữ; hát thờ gồm các làn điệu giáo trống, giáo pháo, thơ nhang. Hát trống quân đa số là hát theo vần điệu lục bát (trên sáu, dưới tám)

Tục tặng quà
Đến mùa trung thu, mọi người thường tặng quà và gửi những lời chúc tốt đẹp cho nhau. Đó đơn giản là những giỏ trái cây, những chiếc bánh trung thu,… để thể hiện tấm lòng thơm thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ, tình bằng hữu,… Trong xã hội hiện đại, quà Trung Thu còn là món quà thay lời tri ân đến đối tác, khách hàng để gắn kết mối quan hệ trong xã hội.

Ngắm trăng
Mặt trăng có hình tròn, vì thế nó tượng trưng cho sự đoàn viên và sum vầy. Chính vì lẽ đó là người xưa coi việc ngắm trăng là sự đoàn viên, niềm hy vọng, gửi gắm bao tình cảm hoài niệm, nhớ nhung. Đặc biệt, các cặp đôi thường cùng nhau ngắm trăng để mong cầu cho tình yêu vĩnh cửu.

Tết Trung thu trong văn học – nghệ thuật
Trung Thu vốn là nguồn cảm hứng lớn cho các thi sĩ, văn nhân từ xưa đến nay. Dưới đây là một số bài thơ hay, câu hát về Tết Trung Thu được lưu truyền qua nhiều thế hệ như:

Thơ về Tết Trung Thu
Nhà thơ đời Đường Đỗ Phủ với bài Trung thu:
Thu cảnh kim tiêu bán
Thiên cao nguyệt bội minh
Nam lâu thùy yến hưởng
Ty trúc tấu thanh thanh
Bản dịch của Thái Giang:
Cảnh thu nay đúng nửa rồi
Trăng thu thêm sáng, khung trời thêm cao
Lầu nam ai rót rượu đào
Tiếng tơ, tiếng trúc thanh tao nhịp nhàng
Nhà thơ Tản Đà cũng nhắc đến ngày Trung thu với các câu thơ:
Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười
Nguyễn Du
Khi chén rượu khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên
Câu hát về Tết Trung thu
Bài Chiếc đèn ông sao: (Nhạc sĩ: Phạm Tuyên)
Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan… tùng dinh dinh là tùng tùng dinh
Bài Đêm trung thu: (Nhạc sĩ: Phùng Như Thạch)
Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang
Bài Rước đèn tháng tám: (Nhạc sĩ Đức Quỳnh (tên thật là Vân Thanh)
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu
Nhạc sĩ Lê Thương cũng có bài Thằng Cuội viết về chủ đề này, trong bài hát có đoạn “Bóng trăng trắng ngà có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ…..Có con dế mèn, suốt trong đêm thâu, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ…”.
Nhạc sĩ Ngọc Lễ cũng có tác phẩm Cắc tùng cắc tùng về ngày Tết Trung thu cho các em thiếu nhi: “Cắc tùng cắc cắc tùng, Em đi chơi trung thu này, Cắc tùng tiếng trống lân tưng bừng….”
Lời kết
Trên đây là những thông tin chi tiết về nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục của lễ hội trung thu mà Mekoong muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng bạn sẽ có một đêm Trung Thu vui vẻ và đoàn viên bên những người thân thương nhất nhé!